Wednesday, October 16, 2013

Thưởng Thức Đặc Sản Ngon Nha Trang - Khánh Hòa

1. Bánh căn

Thưởng thức món Bánh Căn Vào buổi sáng là tuyệt nhất! Cái lành lạnh của sương sớm sẽ quyện vào cùng với hơi ấm nóng của món bánh căn và mùi vị thơm nhè nhẹ của bột gạo... Cũng như bánh xèo, ăn bánh căn vào lúc trời mưa rỉ rả là thú vị nhất. Quanh bếp lửa ấm nồng, người bán nhanh tay xoa dầu vào khuôn, quậy bột múc vào, đậy nắp, nở nắp, xúc bánh nhanh như múa...
Khách ăn tới ngồi xung quanh, múc cho mình một chén nước chấm ưa thích (thường có hai loại : nước mắm ngọt và mắm nêm ăn kèm với đu đủ, su hào xắt lát vuông nhỏ. Có người ăn cả 2 thứ trên), thêm vào ít ớt xay cay cay và ... chờ tới lượt. Người bán cứ tiếp bánh xoay vần, người này một cặp bánh giá, người kia một cặp bánh có tóp mỡ, người nọ một cặp để giòn ... muốn ăn gì thì nói, 6 cặp đủ thì tính 2000 đ,...
Thưởng Thức Đặc Sản Ngon Nha Trang - Khánh Hòa


Khách đông, bánh thường mềm hơn, nóng hôi hổi, phải ăn chậm lại, nhâm nhi cặp bánh với mấy lát đu đu cay cay gìon giòn, vô cùng khoái khẩu. Ít khách, người bán để bánh giòn. Bánh dư thì xúc ra cái đĩa bên cạnh để khách xóm mua về cho em bé , người già... chỉ thích ăn nguội.Ở nhà quê, bánh căn chỉ có bột điểm thêm chút hành. Bánh căn ở thị thành được thêm nhân như trứng cút, trứng gà, mực, tôm, thịt bằm. Chén nước chấm bánh căn nhìn khá “vĩ đại”, không chỉ có nước mắm mà được pha thêm nhiều thứ để trở thành một thứ tương tự như nước sốt.Nước chấm không quá mặn, hơi ngòn ngọt để khách có thể húp. Các quán bánh căn Nha Trang có nhiều loại nước chấm cho khách lựa chọn như mắm cái, xíu mại, cá nục kho, mắm xoài xanh... Một chén mỡ hành với những miếng tóp mỡ giòn tan được dọn ăn chung với rau sống.

2. Nem Ninh Hòa

Ninh Hòa là huyện ven biển, nằm phía Bắc thành phố Nha Trang. Nơi đây nổi tiếng với nghề làm nem.

Thứ nem của vùng này cũng làm từ thịt heo nạc và bì lợn nhưng hương vị chẳng giống nơi đâu. Nem Ninh Hòa có hai loại: nem chua và nem nướng, giá chỉ có 1.000đ/chiếc.

Để làm nem chua, người ta phải chọn loại thịt nạc ròng ở hai bắp đùi heo mới mổ. Bỏ thịt đang nóng vào cối và giã thịt bằng tay, đây là công đoạn rất quan trọng mà không máy móc nào thay thế được. Giã thịt cũng là cả một nghệ thuật. Tay giã phải đều, không được ngưng nghỉ, lại phải biết tăng giảm độ mạnh nhẹ khác nhau để thịt nhuyễn, dai, không bắn ra ngoài và vừa giã vừa gia giảm đường, muối. Ngoài thịt nạc heo tươi rói còn cần tới da heo luộc vừa chín tới, nạo bỏ mỡ, lạng mỏng và xắt sợi như những sợi miến. Sau khi giã thịt xong, người ta trộn đều thịt và da với nhau rồi gói gọn trong những chiếc lá vông hay lá chùm ruột, bên ngoài cuộn thêm lớp lá chuối hột hoặc cuối mốc tươi xanh và quàng thêm sợi lạt giang làm duyên trước khi cột lại thành chùm xinh xắn, ngon mắt. Sau ba ngày, nem chín (đã đủ độ chua), lần mở từng vòng lá xanh, lấp ló sau đó màu hồng phơn phớt của nem đem lại cái cảm giác tò mò, háo hức cho thực khách. Nem Ninh Hòa thường ăn kèm với vài tép tỏi hoặc chấm với tương ớt đỏ, cay nồng. Bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt, chua dịu, dai, giòn sừn sựt. Dù chẳng phải dân "nhậu" nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ khó lòng chối từ xâu nem với cả chục chiếc nhỏ xinh. Ai bảo là chỉ dân nhậu mới "nghiền" nem chua Ninh Hòa? Đừng quên mua vài xâu về làm quà cho người thân trước khi rời Nha Trang.



Khác với nem chua, món nem nướng Ninh Hòa là món ăn ngay, ăn nóng. Nem nướng cũng được chế biến từ thịt nạc giã nhuyễn, có thêm chút mỡ phần xắt hạt lựu và gia giảm tỏi, tiêu bằm nhỏ, tiêu, muối, đường... Sau khi trộn đều, nem được viên bằng đầu ngón tay cái rồi xiên hoặc kẹp vỉ nướng xèo xèo, thơm nức trên lò than hồng. Nem nướng thường được dùng kèm với bánh tráng, chuối chát, khế, dứa, dưa leo lát mỏng, cùng xà lách, tía tô, diếp cá, hẹ... chấm vào một loại nước chấm ngọt, béo đặc biệt. Thứ nước chấm này được chế từ thịt nạc băm, tương, đường, muối, tỏi, ớt, đầu phộng. Những ngày trời se se lạnh, ngồi thưởng thức nem nướng trên bếp than hồng thơm mùi thịt nướng mới thấy hết được cái thú ẩm thực của con người.

3. Bánh xoài Nha Trang

Khác với các loại bánh tráng thông dụng trên, vùng đất Cam Ranh, Khánh Hòa, lại nổi tiếng với món bánh tráng xoài độc đáo. Loại bánh này “nở rộ” khoảng ba chục năm trở lại đây. Đây là nơi trồng xoài nổi tiếng của cả nước, vào mỗi mùa xoài, quả rất nhiều. Người ta bắt đầu nghĩ ra cách chế biến khác, thế là bánh tráng xoài ra đời.
Loại bánh này được chế biến rất đơn giản. Người ta chọn xoài chín, rửa sạch, lột bỏ vỏ, chà xát mạnh trong rổ lỗ nhỏ, hứng lấy nước xoài chảy vào trong thùng, vứt hạt. Kế đến, họ lấy nước xoài cho vào nồi đặt trên bếp, vừa đun vừa khuấy đều tay cho khỏi cháy. Nấu đến khi sôi, hỗn hợp sền sệt là được.



Sau đó, họ trải một miếng nhựa ra chiếc nong, nia hay sàng, cho hỗn hợp nước xoài vào, tráng mỏng. Cuối cùng, mang phơi nắng đến khi sờ vào không dính tay là được. Bánh tráng xoài được cuốn trong miếng nylon để bảo quản. Điều đặc biệt, loại bánh này giữ được rất lâu..
Các thực phẩm khác muốn bảo quản trong thời gian dài phải dùng đến hóa chất chống nấm, mốc. Riêng bánh tráng xoài không dùng một loại hóa chất nào. Tự bản thân chất chua của quả xoài đã giết các nấm mốc.
Cũng như bánh tráng sữa của Nam bộ, cách dùng bánh tráng xoài rất đơn giản, không cần chế biến hay kết hợp thêm nguyên liệu ăn kèm. Có như thế, người thưởng thức mới cảm nhận được cái vị chua thanh, ngòn ngọt và mùi thơm thơm tự nhiên của xoài cứ phảng phất nơi đầu mũi.
Ngày nay, quả xoài đã có giá trị kinh tế cao, nhưng bánh tráng xoài vẫn được gìn giữ, chế biến. Nó đã trở thành món quà dành tặng những người thân quen trong nước và cả người Việt ở nước ngoài

Nguồn: Internet

Thưởng Thức Đặc Sản Ngon Nha Trang - Khánh Hòa

1 comment: